Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Sầu riêng Musang King rớt hơn một nửa giá #musang_king

 

Giữa tháng 3, sầu riêng được ví "ngon nhất thế giới" (loại chưa tách vỏ) trồng ở Việt Nam giá 700.000 đồng một kg nhưng nay chỉ còn 300.000 đồng.


Trên hội mua bán sầu riêng Musang King, các chủ cửa hàng đua nhau bán loại quả này với giá được rao là "rẻ chưa từng có": 200.000-300.000 đồng một kg (nguyên quả), còn cơm sầu giá 700.000-750.000 đồng.

Tại cửa hàng trái cây trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 (TP HCM), mỗi vỉ sầu riêng 300 gram bán với giá 200.000 đồng, khách mua 1 kg giá chỉ 600.000 đồng.

"3 ngày nay giá loại này giảm mạnh nên mỗi đợt tôi bán 2-3 tạ. So với hồi tháng 3, số lượng sầu riêng nhập về tăng gấp 4 lần", nhân viên tại cửa hàng này cho biết.

5 năm kinh doanh sầu riêng, chị Loan, chủ một cửa hàng bán trái cây online ở quận 8, chưa bao giờ thấy loại này rẻ như năm nay. Mỗi kg sầu đã tách vỏ chỉ 600.000-650.000 đồng, giảm một nửa so với đầu tháng 3 và thấp hơn 40% so với hàng nhập khẩu.

 Chị Oanh, chủ vườn Musang King ở Cần Thơ, cho biết vừa bán 1 tấn với giá 150.000 đồng. Mức giá này đã giảm 40% so với đợt cắt tháng 4 nhưng theo chị Oanh, vẫn có lãi cao.

Theo ông Đặng Mạnh Khương, đầu mối chuyên bán sầu riêng ở Cần Thơ, so với giữa tháng 3, giá sầu đã giảm khoảng 50-70%, tùy loại, chủ yếu vì nguồn cung dồi dào.

Các loại sầu riêng ở miền Tây đang rộ vụ thu hoạch, trong đó có cả Musang King. Ngoài ra, Trung Quốc giảm thu mua khiến hàng đồng loạt về các chợ, đẩy giá sầu riêng các loại xuống mức thấp khiến Musang King khó cạnh tranh. Hiện, Musang King chỉ ngang với giá sầu Ri6 hữu cơ hàng loại A bán trên thị trường.

Musang King có nguồn gốc từ Malaysia, đã được người dân khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long trồng thử nghiệm và cho trái ba năm nay. Chúng đang được bán ở nhiều cửa hàng trái cây TP HCM, Cần Thơ, Hà Nội. So với các năm trước, năm nay sản lượng Musang King tăng gấp 3-5 lần.

Quả này có hình bầu dục, không quá lớn, nặng 2-4 kg. Vỏ trái có màu xanh đậm và có gai rất lớn. Đặc trưng của loại này có vệt rãnh ở giữa cuống trái và thân trái. Phần đáy trái thấy rõ 5 múi to và dày dặn.

--
Share:

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2023

Tác dụng của cà tím với sức khỏe

  Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân chỉ ra, trong mỗi 100g cà tím chứa khoảng 3g chất xơ, 0,2g chất béo, nhóm Vitamin B1, B3, B6, B9, B5, B2, Vitamin E, Choline, Vitamin K.

Ngoài ra, cà tím còn chứa nhiều khoáng chất như Đồng, Mangan, Magie, Kali và nhóm hàm lượng ít hơn bao gồm: Kẽm, Sắt, Canxi, Phốt pho... Đặc biệt, cà tím có lượng calo thấp chỉ khoảng 24 calo trong mỗi 100g tương đương với 1,7% lượng calo cần nạp vào hàng ngày. Có thể thấy cà tím là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.


Dưới đây là những tác dụng của cà tím với sức khỏe:

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Khi dùng 100g cà tím sẽ giúp nạp vào cơ thể khoảng 229mg Kali có công dụng hỗ trợ ổn định nhịp tim đối với những người mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, các vitamin nhóm B trong cà tím cũng có khả năng chống oxy hóa hiệu quả, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng ngừa các bệnh về tim mạch như: suy tim, rối loạn nhịp tim, rung tâm thất,... Đồng thời, cà tím chứa ít chất béo, giàu chất xơ giúp tăng cường quá trình chuyển hóa, từ đó hạn chế tích tụ mỡ thừa làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.

Hỗ trợ tiêu hóa

Đối với những người thường xuyên gặp tình trạng táo bón thì chắc chắn cà tím sẽ là giải pháp hiệu quả với hàm lượng chất xơ lên đến 3g trong 100g cà tím. Khi dùng thực phẩm chứa nhiều chất xơ sẽ giúp kích thích quá trình tiêu hóa, nhờ đó đường tiêu hóa hoạt động tốt hơn để loại bỏ chất thải ra ngoài cơ thể. Đối với những người mắc táo bón nên dùng khoảng 200g cà tím trong 2 - 3 ngày để cải thiện tình trạng này.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Cà tím được khuyến cáo sử dụng với bệnh nhân đái tháo đường nhờ chứa nhiều chất xơ không hòa tan. Nhờ đó, khi cơ thể dung nạp lượng chất xơ này với lượng vừa đủ sẽ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hạn chế được tốc độ hấp thụ đường trong thức ăn.

Ngoài ra, cà tím còn chứa lượng hợp chất polyphenol có tác dụng kiểm soát lượng insulin được giải phóng, từ đó ổn định chỉ số đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường. Nhiều chuyên gia khuyến cáo nên đưa cà tím vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh

Một số quan niệm dân gian cho rằng mẹ bầu không nên ăn cà tím sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, trong y học hiện đại chưa tìm thấy tác hại của cà tím khi dùng trong quá trình mang thai.

Cà tím còn được khuyến cáo sử dụng ở mẹ bầu để thúc đẩy phát triển não bộ và hình thành khả năng nhận thức cho thai nhi từ trong bụng mẹ nhờ lượng folate (Vitamin B9) lớn. Bên cạnh đó, giá trị dinh dưỡng của cà tím còn giúp hạn chế nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh hoặc các bệnh bẩm sinh khác.

Những người không nên ăn cà tím

Bài viết trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, theo các chuyên gia Đông y, người mắc bệnh dạ dày cần lưu ý khi ăn cà tím bởi cà tím tính hàn, ăn nhiều dễ làm cho dạ dày cảm thấy khó chịu gây ra tiêu chảy nặng.

Bên cạnh đó, những người yếu mệt hoặc bị thấp khớp, đau nhức khi trời lạnh không nên ăn nhiều và thường xuyên, đặc biệt là cà tím chiên rán vì chứa quá nhiều dầu có thể gây viêm tấy…

Người bị hen suyễn, mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi cà tím chứa lượng oxalate cao - loại axit trong thực vật mà nếu ăn quá nhiều dễ gây sỏi thận.

Khi chế biến cà tím không nên phối hợp với thức ăn lạnh khác mà còn nên thêm vài ba lát gừng để giảm tính lạnh. Về cuối thu sang đông quả cà có vị hơi chát, đắng nên thiên về tính hàn hơn nên những người có thể chất hư hàn tránh ăn nhiều, nhất là người đang hay đi ngoài lỏng.

Trên đây là những người không nên ăn cà tím. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa cà tím nhé.

vinahealth

Share:

Bài viết ngoài

Dịch