Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

Nuôi con vật này rất nhàn, đem lại giá trị cao, cứ nuôi 5 tháng là thu về được chục triệu/cặp.

 Don hay đon hay còn gọi là nhím đuôi dài là loài động vật gặm nhấm thuộc họ Nhím. Loài này phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Don là động vật ăn đêm, thường gặp ở các khu rừng tại vùng núi nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mỗi hang don thường có 5 cá thể. Don mẹ thường sinh 2 lứa mỗi năm sau thời gian mang thai khoảng 100 ngày đến 110 ngày, mỗi lứa một con.

Vô tình biết đến con vật này khoảng hơn 3 năm trước, anh Lê Văn Lâm (xóm Bình Long, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) lên mạng đọc và tìm hiểu rất nhiều về loài vật này.

 “Tôi tìm hiểu mới biết don là con vật dễ nuôi, cần ít thời gian chăm sóc, sức đề kháng cao, thức ăn lại dễ kiếm. Quan trọng hơn cả là cầu đang cần nhiều mà cung không đủ.

Sau một vài tháng tìm hiểu, tôi đã bỏ cả trăm triệu để mua vài cặp don giống về nuôi và xây dựng chuồng trại cho chúng”, anh chia sẻ.

Sau 3 năm nuôi don, anh đánh giá nuôi con này không có gì khó, ngày chỉ cần cho ăn 2 lần là được. Thức ăn cho chúng rất dễ kiếm và giá rẻ: như ngô, khoai, sắn…

 


Mỗi ngày, anh Lâm dành ra 2 – 3 giờ đồng hồ để chăm sóc don. Chăn nuôi con vật này, anh hầu như không phải sử dụng các loại thiết bị máy móc phức tạp. Chỉ khi thời tiết miền Bắc nắng nóng, anh có sử dụng thêm các loại quạt công nghiệp và máy phun sương để làm mát tự nhiên cho don.

Về việc vệ sinh chuồng trại, anh lưu ý phải để nước thoát thật nhanh, tránh ứ đọng gây ẩm mốc, khiến vật nuôi bị một số bệnh ngoài da, đau mắt, bỏ ăn, hoặc tiêu chảy. Bên cạnh đó, nhiệt độ chuồng trại cần ổn định, dao động từ 22 – 23 độ C giúp don sinh sống và phát triển thuận lợi.

Hơn nữa, loài vật này vẫn giữ được gen tự nhiên hoang dã, sức đề kháng chống lại dịch bệnh tốt nên hầu như không cần dùng đến bất cứ loại thuốc thú y nào.

Theo anh, nuôi don rất nhàn mà đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, một nhược điểm lớn nhất đó là muốn nuôi con vật này cần đầu tư vốn lớn.

Chính nhược điểm này khiến ít người chọn nuôi don làm kinh tế. Đó cũng là lý do khiến nguồn cung luôn thiếu so với cầu. Anh cứ có hàng tới đâu, các thương lái đều đến mua hết đến đó, không đủ hàng để bán.

Đối với don giống, người nuôi chỉ cần chăm sóc từ 4-5 tháng, đạt trọng lượng khoảng 3-4kg sẽ được bán với giá 10 triệu đồng/cặp. Nếu làm kinh tế cần phải nuôi nhiều cặp, vốn đầu tư rất lớn, đó là chưa kể xây chuồng trại, thức ăn.

Còn don thịt sẽ được nuôi khoảng 10 tháng trở lên, lúc đó loài vật này đạt trọng lượng khoảng 5-6kg, giá bán hiện tại đang là 2,2 triệu đồng/con.

Với loại sinh sản, anh Lâm cho biết những con don cần nuôi hơn 1 năm mới bắt đầu sinh sản. Một năm chúng sinh được 2 lứa, mỗi lứa được 1 con. Vì vậy, thời gian thu hồi vốn cũng không nhanh như các loại khác.

Theo anh tính toán, diện tích 100m2 chuồng trại sẽ nuôi được khoảng 100 cặp don. Hiện, quanh vùng anh, nhiều hộ gia đình cũng đầu tư nuôi don và kết hợp cùng anh để tạo ra chuỗi liên kết, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để phát triển mô hình này làm kinh tế.

Mấy năm qua, anh vừa nuôi, bán lấy vốn để tái đầu tư nên chưa tính toán nhiều về lợi nhuận. Thời gian tới, anh vẫn dự định sẽ mở rộng thêm diện tích khi có vốn để có thể cung cấp số lượng don giống và don thương phẩm ra ngoài thị trường nhiều hơn, thu lại lợi nhuận kinh tế cao hơn.

 
-
Share:

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

Cá tra bán chỉ 26.000 đồng/kg nhưng… nuôi tốn hết 28.000 đồng/kg

 

Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết hiện để sản xuất 1kg cá tra tốn khoảng 28 nghìn đồng nhưng giá bán trên thị trường chỉ khoảng 26 nghìn đồng/kg.

Phát biểu tại hội nghị “An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra” ở Cần Thơ mới đây, nhiều doanh nghiệp nuôi cá tra đều than khó khăn vì giá sản phẩm đã không tăng trong nhiều năm. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp lớn, hiện để sản xuất 1kg cá tra tốn khoảng 28 nghìn đồng, nhưng giá bán trên thị trường chỉ khoảng 26 nghìn đồng/kg, dẫn đến thua lỗ.

Về chất lượng sản phẩm, đại diện doanh nghiệp cho rằng họ khó kiểm soát các tiêu chí kim loại nặng, chất kháng sinh do nguyên nhân có thể đến từ nguồn nước nuôi hoặc con giống. Họ đề xuất quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè và cá da trơn tránh xung đột nguồn nước nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

 

 

 

Ông Nguyễn Đức Trung đại diện Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn nêu khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Lê Bá Anh, Cục phó Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, 96% sản phẩm cá tra Việt Nam phục vụ xuất khẩu. Ngành cá tra có hơn 140 thị trường quốc tế, các thị trường chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, tình hình xuất khẩu cá tra nửa sau năm 2023 sẽ có khởi sắc do lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt, các nhà nhập khẩu sẽ mua hàng phục vụ mùa lễ hội cuối năm.

Trong hội nghị, đại diện Cục Thủy sản – Bộ NN&TPNT cho biết chất lượng sản phẩm cá tra đang tồn tại nhiều vấn đề. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, có trên 63% số vùng nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long không đạt nhiều tiêu chí về điều kiện nuôi, cơ sở hạ tầng và đang phải khắc phục. Ở nhiều cơ sở, dù nhật ký ao nuôi không ghi nhận sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm nhưng khi kiểm nghiệm mẫu cá lại phát hiện.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cá tra Việt Nam có lợi thế độc tôn về điều kiện tự nhiên. Ngành nuôi trồng, chế biến cá tra nước ta cũng có ưu thế về kinh nghiệm và công nghệ. “Trên thế giới không nơi nào có điều kiện nuôi trồng, chế biến cá tra như chúng ta. Nhưng giá thành, chất lượng sản phẩm đang là điểm yếu. Nếu không nâng niu, không nâng giá trị, cá tra của chúng ta sẽ đánh mất mình, sẽ đánh mất lợi thế độc tôn”, ông Nam nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết nếu không nâng niu, không nâng giá trị, cá tra của chúng ta sẽ đánh mất mình, sẽ đánh mất lợi thế độc tôn.

Theo ông, từ nay đến cuối năm ngành hàng cá tra cần tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng, xây dựng lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy bán lẻ sang bán sỉ, hội nhập sâu, liên kết với doanh nghiệp phân phối ở các thị trường quốc tế để có đầu ra ổn định.

Các doanh nghiệp cũng cần đoàn kết, hỗ trợ nhau để xây dựng thương hiệu cá tra quốc gia. Doanh nghiệp nuôi cá cần khắc phục lỗi trong đảm bảo an toàn thực phẩm triệt để. Không tiếp diễn tình trạng “khắc phục để kiểm tra, sau kiểm tra lại như cũ”. Các địa phương cần xây dựng chuỗi giá trị cá tra, các doanh nghiệp hỗ trợ chuỗi cung ứng phải gắn với vùng nuôi ao nuôi và theo tổ chức hợp tác xã, từ đó kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung.

 
--
Share:

Bài viết ngoài

Dịch